Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Kỷ vật của tình yêu

“Tình yêu luôn hiện hữu, chỉ có điều là ta có cảm nhận được hay không.” Kimberly Kirberger

Chiếc tủ gỗ đặt trong phòng ngủ chúng tôi có một ngăn nhỏ rất đặc biệt. Nó được xem như một bảo tàng tí hon, nơi lưu giữ những kỷ niệm riêng tư của vợ chồng tôi. Những bức ảnh khi còn nhỏ, những tấm thiệp mừng, chiếc mũ tôi đội khi tốt nghiệp đại học, những mảnh báo nhỏ… xếp gọn gàng cạnh nhau.

Thậm chí một nhúm lông của những con thú cưng chúng tôi đã nuôi, hay tấm giấy gói hộp đựng nhẫn đính hôn của chúng tôi cũng được cất giữ. Nhưng quý hơn tất cả là tấm thiệp Giáng sinh đầu tiên mà tôi đã tặng anh.

Tấm thiệp in hình một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi bên nhau, người vợ âu yếm ngả đầu vào vai chồng. Chiếc lò sưởi vẫn còn đỏ lửa và dưới cây thông được trang hoàng rực rỡ có một chú mèo xám như con mèo Jessie nhà tôi đang cuộn mình, thư thái liếm những ngón chân. Ngoài khung cửa sổ, tuyết rơi trắng xóa. Khung cảnh ấy toát lên một cảm giác êm ả, thanh bình. Chúng tôi cất tấm thiệp vào chiếc hộp kỷ niệm của gia đình. Những mùa Giáng sinh tiếp theo, tôi cũng muốn tìm mua tặng anh tấm thiệp khác, nhưng vẫn không thấy tấm thiệp nào có ý nghĩa hơn tấm thiệp ấy.

Thế là chúng tôi lại ngồi bên nhau trong ánh sáng dìu dịu của những ngọn nến và những chiếc đèn nhấp nháy trên cây thông nhỏ. Những đêm Giáng sinh sau đó, tôi lại trao anh tấm thiệp Giáng sinh năm nào. Anh vẫn nhớ và nâng niu tấm thiệp như một kỷ vật của tình yêu. Những lúc ấy, tôi cảm nhận được hạnh phúc dâng trào, một cảm giác được chia sẻ, tin yêu hòa với chất men tình yêu ngọt ngào lan tỏa trong tôi.

Hơn hai mươi năm đã trôi qua, mặc dù có đôi lần chuyển chỗ ở nhưng anh và tôi vẫn giữ thói quen như vậy mỗi dịp Giáng sinh về như một truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Cùng với thời gian, chúng tôi trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng anh và tôi luôn ở bên nhau. Dường như chúng tôi gắn bó và yêu thương nhau hơn qua những khó khăn ấy.

Mỗi khi ngắm nhìn tấm thiệp nhỏ bé ấy, những khoảnh khắc ngọt ngào thân thương lại hiện về với biết bao ý nghĩa thiêng liêng và trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên tinh thần chúng tôi. Cũng giống như màu tóc và làn da, màu sắc của tấm thiệp đã bạc dần theo năm tháng, nhưng chỉ có một điều không bao giờ phai bạc, đó là tình yêu mà chúng tôi đã dành trọn cho nhau.

Tuổi thơ cùng những tấm thiệp

Ngày còn là cậu học trò nhỏ, mỗi khi tết về, bụng dạ tôi lại chộn rộn mong được nhận từ ai đó một tấm thiệp xuân với những lời chúc tốt lành. Tấm thiệp nhỏ bé, đơn sơ mà chuyên chở bao yêu thương bạn bè dành cho nhau và ghi dấu kỷ niệm một thời cắp sách.

Tôi nhớ cảm giác lần đầu được đứa bạn thân tặng tấm thiệp. “Cậu tặng tớ hả?” - mắt tôi tròn xoe, ngạc nhiên lẫn vui mừng vô cùng. Tôi đón lấy tấm thiệp mà không biết phải nói gì với nó, chỉ biết cười toe toét. Tấm thiệp in hình chùm hoa mai rực rỡ, có dòng chữ nắn nót: “Chúc bạn và gia đình năm mới vạn sự như ý, khỏe mạnh và hạnh phúc”. Mộc mạc, giản dị vậy mà với tôi món quà ấy đẹp và ý nghĩa lạ thường.

Bắt chước bạn, mỗi khi gần đến tết, tôi cũng nắn nót viết những lời chúc lên những tấm thiệp đẹp gửi tặng bạn bè, người thân.

Đã có biết bao tấm thiệp được bọn học trò chúng tôi dành tặng cho nhau. Những tấm thiệp đơn sơ, giản dị hay công phu đều chứa đựng bao thông điệp thương yêu của người tặng.

Mối quan tâm lớn của bọn học trò chúng tôi là những tấm thiệp in hình bánh chưng, hoa mai, pháo hoa, câu đối… và lời chúc mừng. Ai cũng muốn tặng mọi người những tấm thiệp đẹp nhất!

Đã có biết bao tấm thiệp được bọn học trò chúng tôi dành tặng cho nhau. Những tấm thiệp đơn sơ, giản dị hay công phu đều chứa đựng bao thông điệp thương yêu của người tặng.

Thiệp mua về dùng cây bút bi đã hết mực kẻ những đường thẳng để ghi lời chúc cho đẹp. Những câu chúc đơn giản như: “Chúc mừng năm mới”, “Happy new year”, "Chúc bạn học giỏi, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc"... Có những tấm thiệp còn đầy những lỗi chính tả, tẩy xóa tơi bời nhưng may là người nhận vẫn có thể đọc ra.

Nhưng không gì hạnh phúc bằng khi được ai đó tặng tấm thiệp tự làm. Thường thì chúng tôi dùng... bìa vở làm thiệp. Trên mặt bìa trắng, chúng tôi vẽ lên đấy những hình hoa lá, núi non và có cả những nét chữ "rồng bay phượng múa", lá khô, hoa khô, cỏ khô... Đó là những tấm thiệp có một không hai và người được tặng phải là người thật đặc biệt.

Qua thời gian, những tấm thiệp vẫn lưu dấu bao kỷ niệm thuở cắp sách. Ngày nay, có nhiều cách để mọi người bày tỏ tấm lòng với nhau. Nhưng có lẽ với riêng tôi và bao bạn bè cùng trang lứa, những tấm thiệp tết là lời chúc đầu năm sâu lắng, gần gũi và thú vị nhất.

Theo tuoitre

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Tặng phẩm ngày sinh nhật vợ!

Một người đàn ông 62 tuổi ở Scarborough, Bắc Yorkshire, Anh đã miệt mài viết lên cát dòng chữ chúc mừng sinh nhật dài tới hơn 30m để tặng người bạn đời của mình. Kỷ lục của ông thực sự đáng được ca tụng...

Khi nghe vợ nói rằng bà không thích món quà nào nhân ngày sinh nhật 61 tuổi, ông Jeff Brook-Smith đã nghĩ ra một "tặng phẩm" sinh nhật hết sức lãng mạn, độc đáo để dành riêng cho người bạn đời của mình trong ngày lễ trọng đại.

Ông đã miệt mài sáng tạo công trình của mình trong vòng 4 tiếng đồng hồ trên bờ biển gần ngôi nhà gia đình ông đang sinh sống ở Scarborough, Bắc Yorkshire, Anh. Trên nền cát của bãi biển, công trình của ông thật nổi bật với dòng chữ "Happy Birthday Janet! With all my love" (Chúc mừng sinh nhật Janet! Với tất cả tình yêu của tôi) và phía dưới dòng chữ ông đề tên của mình. Đây có thể xem là tấm thiệp mừng sinh nhật độc đáo và lãng mạn nhất với kích thước đáng kinh ngạc: dài 36,5 m và rộng tới 15,2m.

Ông Jeff Brook-Smith đang đứng trên tấm thiệp chúc mừng sinh nhật độc đáo do mình sáng tạo ra

Để có được công trình tuyệt vời này, ông Jeff đã phải tìm hiểu về thời gian lên - xuống của thủy triều và sự thay đổi của thời tiết hàng ngày, bởi đây là những yếu tố đe dọa trực tiếp tới sự "tồn vong" của công trình mà ông đã miệt mài làm ra.

Ông Jeff xứng đáng là minh chứng hùng hồn cho triết lí "Tình yêu đẹp không bao giờ chết trong trái tim con người lãng mạn"

Ông cho hay: "Đó quả là công việc hết sức khó khăn. Nhưng tôi rất hài lòng với thành quả của mình và vợ tôi - Janet rất bất ngờ với món quà đó. Cô ấy nói nó thực sự tuyệt vời".

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Tấm thiệp - ấm áp tình người

Khi chúng tôi đến thăm nhà Gayle , chúng tôi nhìn thấy một tấm thiệp được đặt rất trang trọng trên bàn, giữa phòng khách. Trông tấm thiệp đã cũ, lại hơi lem nhem, nói chung không có gì sang trọng hay độc đáo. Nhưng Gayle đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về tấm thiệp đặc biệt mà cô đã nhận được 11 năm về trước.

Đó là khi Gayle 21 tuổi, cuộc sống rất khó khăn và cô mang thai nhưng không có chồng. Cô phải đi làm phục vụ ở một cửa hàng ăn. Hôm ấy là gần Tết, đã 4 giờ chiều và Gayle chuẩn bị đi về. Bỗng có một phụ nữ vào cửa hàng với vẻ mặt rất buồn khổ. Khi Gayle hỏi chuyện, người phụ nữ kia kể rằng chồng cô đã mất, cô phải nuôi ba đứa con, và bây giờ không có lấy một đồng để mua gì cho chúng ăn Tết. Thậm chí, cô ta cũng chẳng biết làm gì để có tiền. Gayle lục lọi trong ví, tìm được đúng 4 đô la - tiền công của cô cho cả ngày làm việc hôm đó. Cô đưa cả cho người phụ nữ khốn khổ:

- Không nhiều lắm, nhưng mong rằng nó giúp được chị . . .

Người phụ nữ khóc, cảm ơn và đi ra khỏi cửa hàng.

Hôm đó, khi Gayle về nhà, cả gia đình mắng mỏ cô quá ngây thơ, ngốc nghếch, hẳn rằng đã bị lừa và sẽ không bao giờ gặp lại người phụ nữ kia nữa đâu. Hai tuần sau Tết, người phụ nữ quay lại cửa hàng ăn nơi Gayle làm việc:

- Không nhiều lắm, nhưng mong rằng cô thích nó...

Người phụ nữ cũng cảm ơn Gayle, và nói rằng những đứa con của cô muốn tặng quà " sau Tết " cho Gayle.

Khi Gayle mở hộp "quà", trong đó chỉ có một tấm thiệp tự làm, hơi lem nhem và giấy bìa hơi cũ, nét chữ rất trẻ con: "Cám ơn cô Gayle ! Cảm ơn cô vì sự nhân hậu và lòng tin".

Gayle kể, chưa có món quà Tết nào có ý nghĩa với cô đến thế, vì cô biết rằng cô đã giúp được người cần sự giúp đỡ. Khi Gayle kể câu chuyện trên cho chúng tôi nghe, mọi người đều rất xúc động. Gayle nói, cô luôn đặt tấm thiệp lên bàn vào mỗi dịp Tết đến, như một kỷ niệm ấm áp để nhắc mọi người ý nghĩa thực sự của Tết là gì.

Hạnh phúc cùng tấm thiệp tình nhân


Một đôi vợ chồng già ở Anh chỉ dùng duy nhất một tấm thiệp tình nhân mà người chồng tặng cho vợ trước khi lên đường ra chiến trận cách đây 70 năm, để tặng cho nhau trong ngày Valentine hàng năm.

Khi mới 17 tuổi và là chiến sỹ của quân đội Hoàng gia Anh đóng tại Plymouth, ông Harry Ward (năm nay 88 tuổi) đã gửi cho người yêu là bà Doris một tấm thiệp Valentine khi ông bước lên tàu để tham gia chiến tranh vào ngày 14/2/1941. Ông tự tin rằng tình cảm của mình sẽ được bạn gái đáp lại. Ba tháng trước đó, cặp đôi này gặp nhau ở một quán cà phê tại Bristol, sau khi bà Doris bị lỡ chuyến xe bus về nhà.

Nhưng điều kỳ diệu mà ông Harry Ward không thể tưởng tượng được là sau 70 năm, ông không những hạnh phúc bên bà vợ Doris, mà mỗi năm bà đều gửi cho ông tấm thiệp tình nhân tại ga tàu vào ngày Valentine năm 1941.

Hôm nay, tấm thiệp được đặt trên bệ lò sưởi của đôi vợ chồng già để kỷ niệm ngày tình nhân. Bà Ward (87 tuổi) nói: “Tôi mang nó ra khỏi tủ và đặt lên bệ lò sưởi vào mỗi ngày Valentine. Nó vẫn đặc biệt với tôi mặc dù đã 70 năm. Harry không bao giờ mua cho tôi cái khác vì tôi đã có tấm thiệp này”.

“Harry rất lãng mạn và chúng tôi vẫn tình cảm với nhau sau từng ấy năm. Bí mật về cuộc hôn nhân hạnh phúc của chúng tôi là không bao giờ đi ngủ mà thiếu một nụ hôn chúc ngủ ngon. Chúng tôi vẫn cảm thấy nồng nàn như ngày ông ấy tặng tấm thiệp này cho tôi”, bà Doris hạnh phúc cho biết thêm.

Đôi vợ chồng hạnh phúc này kết hôn vào năm 1942 và hiện có với nhau 2 con gái, 2 cháu gái và 4 chắt.

Theo Zing

Những tấm thiệp cũ


Hôm qua nhận được tấm thiệp chúc mừng sinh nhật của một cô bạn lâu lắc lâu lơ mới liên lạc. Một cảm giác lâng lâng vui sướng cả ngày. Lâu lắm rồi mới nhận được thiệp từ ai đó.


Mới vừa đây thôi check mail nhận được một tấm thiệp điện tử là mừng muốn chết, biết người ta còn nhớ tới mình… Mừng quá mở ra thì... của Yahoo tặng.


Dẫu sao chuyện đó cũng gợi nhớ... Đêm không ngủ được, bật đèn sáng mở các hộc tủ đã lâu không đụng đến, tìm lại những tấm thiệp cũ và hình ảnh cũ. Không ngờ các bạn lại gửi quá nhiều thiệp cho mình, những tấm thiệp chúc mừng sinh nhật, Giáng sinh, năm mới...


Quả thật, lúc này mình mới cảm nhận được điều kỳ diệu của những tấm thiệp này. Chúng làm mình nhớ lại những khuôn mặt bạn bè lâu ngày không gặp, những lời chúc chân tình, những nét chữ mà giờ đây mình ít thấy khi giao tiếp bằng email.


Đọc xong hết một chồng thiệp, dường như cuộc đời có ý nghĩa và thi vị hơn. Bây giờ mỗi người bạn một nơi. Có lẽ họ cũng chẳng nhớ đã gửi những tấm thiệp và viết những lời đó. Nhưng những tấm thiệp đã lưu lại những kỷ niệm đẹp ngày xưa. Ngày hôm qua, tấm thiệp không chỉ là chúc mừng, đó còn là một sự chia sẻ, một niềm an ủi, một sự khích lệ hướng về cuộc sống tốt đẹp vẫn diễn ra từng ngày.


Một nỗi lưu luyến mơ hồ trong tôi. Bên những tấm thiệp điện tử lung linh sắc màu, âm thanh trên mạng có thể gửi và nhận thật nhanh, vẫn mong lắm những tấm thiệp giấy chuyển tải hồn người.


NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU (TP.HCM)

Theo TuoiTre

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Nguồn gốc ra đời của thiệp chúc mừng


Lịch sử của Thiệp có thể bắt nguồn từ đất nước Trung Hoa cổ đại khi người ta bắt đầu truyền thống gửi lời chúc thiện chí cho một năm mới. Ai Cập cổ đại cũng được cho là nơi sử dụng cuộn giấy cói để gửi lời chào đến những người thân yêu. Từ năm 1400, việc tặng thiệp chúc mừng được làm bằng tay phát triển mạnh ở châu Âu.

Các tiến bộ trong công nghệ in ấn và cơ giới hoá bên cạnh việc ra đời của tem bưu điện vào năm 1850 đã giúp thiệp chúc mừng phát triển mạnh mẽ hơn nữa với giá cả phải chăng. Không có gì để thắc mắc, chúng nhanh chóng trở thành phương tiện phổ biến giúp người ta giữ mối liên lạc cá nhân.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp Greeting Card tại Mỹ bắt nguồn từ Louis Prang, một người di dân Đức bắt đầu một doanh nghiệp nhỏ in thạch bản gần Boston vào năm 1856. Prang phát triển việc in ấn hơn một thập kỷ và trong đầu thập niên 1870, ông xuất bản những tấm thiệp cao cấp trong mùa Giáng sinh và chúng đã trở thành một bước đột phá mạnh mẽ ở Anh.

Ngày nay, nhiều người chọn gửi e-card thay vì giấy thiệp giấy như một xu hướng bắt đầu từ những năm 1990. Nhìn chung, tặng e-card thì dễ dàng và thuận tiện hơn với chi phí thấp và nhanh chóng. Tuy nhiên, thiệp giấy vẫn không mất đi ý nghĩa đặc biệt của mình. Thiệp sinh nhật thủ công đặc biệt quan trọng khi một người muốn diễn tả lời chúc tốt đẹp và tình yêu của mình đến người thân yêu trong ngày sinh nhật của họ và những dịp đặc biệt.

Dù thế nào thì thiệp chúc mừng thực sự là điều quan trọng nếu bạn muốn chuyển tải một thông điệp yêu thương. Vì vậy, cho dù bạn chọn để gửi thiệp sinh nhật truyền thống hoặc e-card, bạn cũng hãy chọn một tấm thiệp một cách chu đáo, cẩn thận và đảm bảo rằng nó xuất phát đến từ tình cảm chân thành của trái tim, dù nó được gửi đến đồng nghiệp, bạn bè, hoặc một người nào đó đặc biệt trong cuộc sống của bạn.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Viết thiệp cảm ơn nghệ thuật bị lãng quên


Viết một tấm thiệp cảm ơn chân thành là một trong những kỹ năng chuyên nghiệp giúp ta tạo được ấn tượng lâu dài với người khác. Ai cũng thích được khen ngợi và một trong những nguyên tắc đối nhân xử thế nền tảng của Dale Carnegie là “Thành thật khen ngợi, cảm kích người khác”. Khi viết một tấm thiệp cảm ơn, hãy sử dụng một tấm thiệp nhỏ, sạch sẽ và rõ ràng.

Tuy nhiên, tấm thiệp không quan trọng bằng tấm lòng; vì thế, nếu chỉ có giấy thì hãy cứ dùng nó để viết! Hãy sử dụng công thức gồm 6 bước bên dưới để thể hiện lời tri ân của mình trong thiệp một cách hiệu quả nhất.


1. Lời chào: Kính gửi (anh/chị) …. Đây là điều quá rõ ràng, nhưng nhiều người thường bắt đầu lời chào bằng “chào ….”, “hi, …” hoặc thậm chí là bỏ luôn phần này.


2. Thể hiện lời tri ân: “Rất cảm ơn anh/chị… về cuốn sách”. Điểm cốt lõi là phải đơn giản mà cụ thể. Bước này trong viết thiệp cảm ơn là để thể hiện hết tình cảm tận đáy lòng.


3. Nói về quá trình sử dụng:“tôi đã đọc ngay quyển sách đó và nhận thấy có nhiều điều rất hay và bổ ích”. Mọi người đều muốn biết bạn có nhận thấy được giá trị từ hành động hay món quà đó của họ không. Việc chia sẻ cách bạn đang sử dụng món quà hay ý tưởng đó sẽ khiến tấm lòng của họ trở nên có ý nghĩa.


4.Cảm ơn một một lần nữa: Hãy một lần nữa cảm ơn họ về món quà. Không có gì là quá mức khi nói cảm ơn một lần nữa.


5. Lời chào kết thúc:Hãy kết lại bằng một lời kết thể hiện suy nghĩ cuối cùng của bạn: trân trọng, thân, chúc sức khỏe, … Sau đó, ký tên của bạn


6. Gửi thiệp:Dù đồng nghiệp hay người quen của bạn không quen với hình thức viết kiểu này thì bạn hãy cứ là người tạo ra tiền lệ.


Để thể hiện dấu ấn của mình, người chuyên nghiệp thật sự cần có kỹ năng viết thiệp/thư cảm ơn trong thời đại thư điện tử, hộp thư thoại và tin nhắn.


Thể hiện tính chuyên nghiệp trong kinh doanh không khó; nó chỉ đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung. Những khía cạnh đơn giản trong phép xã giao kinh doanh giúp rất nhiều trong việc xây dựng tính chuyên nghiệp của chúng ta, điều này góp phần xây dựng sự tự tin và thoải mái của chúng ta trong kinh doanh.


Câu hỏi dành cho độc giả: Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ viết tấm thiệp cám ơn đầu tiên dành cho ai và nhân dịp gì?